Chính sách dịch vụ

Trong các loại hình dịch vụ du lịch hiện đại, cụm từ dịch vụ homestay (dịch vụ ăn nghỉ tại nhà dân) hiện đang trở thành trào lưu nở rộ tại hầu khắp các tuyến, điểm du lịch trọng điểm trên cả nước. Không chỉ có các chủ đầu tư và du khách quan tâm tới dịch vụ này mà cả các chuyên gia cũng đã nhập cuộc với tranh cãi nên gọi dịch vụ này là “homestay” hay chỉ có thể gọi là “housestay”.

Hấp dẫn vì sự mới lạ

Là một trong những chủ nhân của địa điểm được đặt tên là “Sakura Homestay” tại đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ngay khi quyết định tu sửa căn biệt thự cổ này, anh Hồ Bá Thông đã nghĩ ngay tới mở dịch vụ “homestay” tại đây. Với kinh nghiệm sẵn có, anh Thông đã lên kế hoạch tu sửa cơ sở này trở thành một địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay có địa thế đẹp bậc nhất thành phố ngàn hoa. Hơn nữa, với điểm nhấn là căn biệt thự cổ còn gần như nguyên vẹn kiến trúc Đà Lạt xưa, một khu vườn rộng gần 1.000 m2, vấn đề còn lại chính là làm thế nào để tạo được cho du khách cảm giác thật sự thoải mái - anh Hồ Bá Thông nói.

Theo nhận xét của nhiều người quan tâm dịch vụ này, khoảng hai năm trở lại đây, loại hình lưu trú tại nhà dân - homestay ở Đà Lạt phát triển mạnh, đến mức giới trẻ khắp cả nước coi nơi đây là "thiên đường homestay". Với lợi thế về khí hậu, phong cảnh thơ mộng đầy khác biệt giữa miền nam và miền trung nắng gió, việc xuất hiện hàng chục cơ sở homestay "đa phong cách" tại thành phố du lịch nổi tiếng này đã làm tăng thêm sức hấp dẫn cho Đà Lạt.

Chính vì lượng khách đổ về rất đông, nhất là trong các dịp lễ, Tết, cộng với phong cách đầu tư “cực chất” như nhận xét của du khách, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay đã thu hút lượng khách lưu trú đạt mức cao với phần lớn khách là các bạn trẻ đi "phượt" hoặc đi chơi theo nhóm, thích không gian trải nghiệm mới lạ, và đã có nhiều người quay lại nhiều lần với những trải nghiệm khó quên. Nickname Sun Pham - một thành viên của diễn đàn Những người thích du lịch cho biết, dù đã đi Đà Lạt không biết bao nhiêu lần nhưng chưa lần nào cô cảm thấy chán, bởi mỗi lần quay lại, Đà Lạt đã kịp đổi thay rất nhanh chóng, mà một trong các sự thay đổi ấy chính là các cơ sở homestay khác nhau ra đời, mỗi nơi mỗi kiểu rất khác biệt và hấp dẫn.

Suất đầu tư “lớn”

Trong thực tế, nói làm homestay dễ là đúng, vì nguồn “cầu” khá phong phú và ổn định, đã đầu tư là có khách ngay, không khó cho quá trình thu hồi vốn và kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, để đạt đến ngưỡng “cần và đủ” cho một homestay hoạt động ổn định là rất khó, thật sự là thử thách quan trọng cho những người đầu tư vào loại hình dịch vụ này. Trong đó, điểm cốt yếu, quan trọng nhất là công tác chuẩn bị cho sự ra đời của loại hình du lịch đặc thù này được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, nhất là về mặt con người.

Nhớ lại quá trình đầu tư sửa chữa cơ sở lưu trú homestay, chị Hoàng Anh Thơ, chủ một homestay trên đường Hồ Tùng Mậu (TP Đà Lạt) cho biết, với những hình dung ban đầu của mình về loại dịch vụ này, chị từng tự tin rằng đầu tư không “khủng” như xây dựng khách sạn mi-ni. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm mới thấy không hề dễ dàng, thậm chí vốn đầu tư còn lớn hơn rất nhiều so với xây khách sạn bởi ngoài việc xây dựng cơ bản không khác gì xây khách sạn là mấy, người kinh doanh homestay phải vắt óc nghĩ ra những kiểu cách phòng ốc, vật dụng, trang trí bắt mắt mà không được “đụng hàng” mới mong hấp dẫn được du khách.

Lý giải điều này, chị Anh Thơ dẫn chứng, vì loại hình homestay hướng tới đối tượng khách hàng chính là các bạn trẻ thích khám phá, thích điều mới lạ, các công chức có thu nhập thấp và các gia đình nhỏ ở các thành phố đông đúc chật chội cho nên khi được ở trong những căn nhà nhỏ xinh, phù hợp túi tiền, lại có không gian mở thì mới hút khách. Chính vì thế, cơ sở homestay nào cũng phải đủ rộng, chí ít là có diện tích 500 - 700 m2, đủ xây dựng cả phòng ở lẫn phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng đọc sách, không gian sân vườn thoáng đãng, lại phải đủ tiện nghi như bếp nấu, giặt đồ để du khách sử dụng chung với gia chủ hoặc có thể tự mua đồ về nấu ăn, tạo không khí như trong gia đình. Tất cả những điều đó đều hướng tới tâm lý thích cái "mới" của phần lớn khách lưu trú. Chính vì thế, chi phí quản lý của một cơ sở homestay không hề rẻ, với tối thiểu từ bốn đến năm nhân lực phục vụ.

Cần sự quản lý bài bản

“Homestay” là loại hình du lịch mà du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua hoạt động tập thể đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa của mảnh đất mà du khách đặt chân đến. Theo đúng tiêu chí ấy, homestay là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh chứ không chỉ là dịch vụ lưu trú, bởi khi du khách thực sự hòa vào cuộc sống bản địa từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động thì họ mới thực sự được trải nghiệm loại hình du lịch homestay, còn nếu không, đó chỉ là dịch vụ housestay - bà Lê Thị Huyền Trang, quản lý một công ty du lịch tại Sóc Trăng nói. Chính vì vậy, để làm được “homestay” thật sự không hề dễ dàng, trong đó có yêu cầu chủ nhà làm dịch vụ “homestay” phải là một người am hiểu văn hóa, thậm chí là người bản địa chứ không chỉ đơn giản là nhà đầu tư như hiện nay. Tuy nhiên, việc lựa chọn để vừa vận động, vừa cho phép các chủ nhà làm dịch vụ “homestay” không thể chỉ là hoạt động tự nguyện, tự phát như hiện nay mà vai trò quản lý của chính quyền địa phương là rất cần thiết. Khi và chỉ khi loại hình dịch vụ này được thực hiện một cách bài bản, tạo điều kiện phát triển thông thoáng và minh bạch bởi cơ quan quản lý, có sự động viên, cổ vũ của các cơ quan chức năng thì khi đó, dịch vụ homestay mới thật sự đi vào cuộc sống với tư cách là một cầu nối, một đại sứ cho du lịch địa phương.